Cẩn thận với hình thức mua hàng qua mạng để luôn an toàn
Những ngành hàng khiến nhiều người không hài lòng nhất là những mặt hàng gia dụng, thời trang và dịch vụ ăn uống. Xem qua thì những Website mua hàng theo nhóm này bán rất nhiều sản phẩm giảm giá lớn nhưng sự thật thì không hẳn là như vậy.
Dưới đây là những chia sẻ kinh nghiệm mua hàng trên mạng này để bạn tham khảo. Mong là nó sẽ giúp ích để công việc mua sắm của bạn sẽ trở nên đơn giản và thuận lợi hơn. Mình sẽ đi qua những vấn đề chính mà mọi người hay có thắc mắc hoặc gặp phải khi mua hàng trên mạng.
1. Mua hàng trên mạng ở các trang mua hàng theo nhóm
Sự phát triển của các trang Web mua hàng theo nhóm (Hotdeal, Muachung, Nhommua, Cungmua…) thời gian qua đã góp phần rất nhiều vào sự phát triển của hoạt động mua hàng qua mạng. Nhưng xét về tổng thể thì số người không hài lòng khi mua hàng trên những trang Web này nhiều hơn hẳn so với khi mua hàng ở các đơn vị bán hàng truyền thống.
Những ngành hàng khiến nhiều người không hài lòng nhất là những mặt hàng gia dụng, thời trang và dịch vụ ăn uống. Xem qua thì những Website mua hàng theo nhóm này bán rất nhiều sản phẩm giảm giá lớn nhưng sự thật thì không hẳn là như vậy.
1.1. Không nên mua hàng gia dụng
Đa phần các mặt hàng gia dụng bán ở các trang mua hàng theo nhóm là các mặt hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Những mặt hàng này thường là hàng không có thương hiệu, chất lượng rất thấp, khó tìm giá so sánh trên thị trường. Đa phần khách hàng mua về đều không hài lòng hoặc cực kỳ thất vọng với các mặt hàng gia dụng.
1.2. Không mua Voucher ăn uống ở những đơn vị không có tên tuổi
Nhóm dịch vụ ăn uống thì hơi khác một chút vì rõ ràng là dịch vụ của Việt Nam, nhưng không vì thế mà chất lượng tốt hơn. Nếu bạn xem kỹ thì sẽ thấy rất nhiều nhà hàng, quán ăn bán Voucher là những đơn vị ít tên tuổi, không có nhiều uy tín. Nhiều đơn vị còn cung cấp những hình ảnh về sản phẩm dịch vụ khác hoàn toàn so với thực tế luôn.
Nếu bạn có ý định mua Voucher ăn uống trên các trang mua hàng theo nhóm này thì nên chọn những đơn vị có uy tín như những cửa hàng của Golden Gate/ RedSun IT hoặc những cửa hàng khác mã bạn đã từng ăn và biết rõ.
1.3. Chú ý việc thổi giá rồi giảm
Gần như việc thổi giá lên rồi giảm xuống bạn sẽ tìm thấy ở mọi nơi trên Internet. Ở những trang mua hàng theo nhóm này thì tình trạng này có vẻ còn xảy ra thường xuyên hơn nữa. Khi mua hàng trên mạng, bạn nên chú ý so sánh giá sản phẩm, dịch vụ để tránh bị mua đắt.
2. Lưu ý mua quần áo trên mạng
Mặt hàng quần áo thời trang là một mặt hàng mà nhiều bạn rơi vào cảnh tiền mất tật mang nhất vì hình ảnh và sản phẩm không giống nhau. Các hình ảnh quần áo rao bán trên mạng luôn được chụp một cách cẩn thận và cả chỉnh sửa rồi nên bạn có thể sẽ thấy rất đẹp, nhưng khi nhận hàng sự thật có thể hoàn toàn khác.
2.1. Chọn mặt hàng có nguồn gốc, thương hiệu
Với mặt hàng quần áo thì thương hiệu, nguồn gốc rất quan trọng và sẽ giúp bạn đánh giá xem hàng liệu có tốt hay không. Bản thân chất liệu vải bạn đã không thể kiểm chứng khi đặt hàng mà chỉ có thể hỏi nhân viên bán hàng mà thôi. Thế nên hãy chú ý nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu. Với những mặt hàng mà mập mờ về nguồn gốc, đơn vị sản xuất không có tên tuổi thì bạn nên tránh xa, dù hình có đẹp đi chăng nữa.
2.2. Yêu cầu người bán chụp hình ảnh thực tế
Không phải lúc nào bạn cũng có thể yêu cầu người bán chụp ảnh thực tế sản phẩm để gửi cho bạn được. Nhưng nếu họ thực sự muốn bán hàng và cam kết về chất lượng thì bạn có thể yêu cầu nhân viên bán hàng chụp ảnh thực tế rồi gửi qua Viber/Zalo..cho bạn xem. Những hình ảnh đó sẽ giúp bạn đánh giá về màu sắc thực tế của sản phẩm.
2.3. Chú ý chính sách thanh toán, giao hàng, đổi trả sản phẩm
Các đơn vị kinh doanh uy tín như Zalora, Zanado khi kinh doanh đồ thời trang họ đều có chính sách đổi trả hàng rất rõ ràng. Những đơn vị này cũng chấp nhận hình thức thanh toán khi giao hàng nữa. Có nghĩa là khách hàng có thể kiểm tra hàng và từ chối nhận hàng nếu hàng giao cho khách hàng không đúng như mô tả.
Với những địa chỉ bán hàng mà bạn chưa mua hàng lần nào thì có thể yêu cầu họ cho phép bạn kiểm tra hàng trước khi thanh toán tiền. Nếu họ kinh doanh các sản phẩm chất lượng thì chẳng có lý do gì họ phải từ chối yêu cầu chính đáng này của bạn.
Nhiều lúc, bạn chỉ cần gọi điện đến địa chỉ bán hàng rồi trao đổi với nhân viên bán hàng là đã đánh giá được phần nào rồi. Có những lúc mà khi bạn nói chuyện nhân viên không thể hiện được là họ hiểu rõ sản phẩm thì cũng đủ để bạn đánh giá xem là có nên mua hàng ở đó hay không.
3. Đừng để bị Seeding khi mua hàng Facebook
Facebook đã trở thành một trong những kênh bán hàng Online mà rất nhiều cửa hàng, công ty nhỏ sử dụng. Vì Facebook gần như có đủ thông tin về người dùng nên dịch vụ quảng cáo trên Facebook đang trở thành một công cụ bán hàng cực kỳ hiệu quả trong việc nhắm đích khách hàng.
Cách đây không lâu mình có đọc một câu chuyện là có một bạn ở Hà Nội cần bán một chiếc xe ô tô cũ hạng sang. Bạn ý thuê một bạn chạy quảng cáo trên Facebook giúp. Bạn được thuê đó đã chọn ra một số tiêu chí bên dưới để chạy quảng cáo và chiếc xe đó cuối cùng đã bán được trong vòng chưa đầy hai tuần.
Tiêu chí chạy quảng cáo Facebook của một bạn bán xe cũ
- Tuổi từ 30-45
- Sinh sống tại Hà Nội
- Mới đi du lịch nước ngoài về trong vòng hai tuần
- Đã kết hôn và có gia đình
- Có sở thích là xe Ô tô
Nói qua Ví dụ ở trên để bạn có thể hình dung được là những quảng cáo mà bạn đang xem hàng ngày trên Facebook đều là những quảng cáo định hướng dựa trên những thông tin mà bạn Post/cung cấp cho Facebook.
Một trong những chiêu trò được dùng nhiều nhất bởi các đơn vị bán hàng trên Facebook sử dụng công cụ Seeding. Nó không khác gì việc dùng cò trong kinh doanh bất động sản. Những bên chuyên làm ăn kiểu Seeding này có hàng trăm tài khoản Profile Facebook khác nhau.
Khi đó, họ sẽ dùng những tài khoản này vào để Comment, Share và tung hô cho sản phẩm đang được quảng cáo. Những khách hàng vội vàng không nghiên cứu kỹ sản phẩm sẽ là những người dễ bị lừa nhất. Nếu bạn không đọc kỹ những Comment này, không xem cẩn thận những Profile đang comment thì rất dễ bị sa vào cái bẫy Seeding và mua dính hàng dởm.

Nhiều chỗ làm Seeding rất tinh vi nhưng cũng có những đơn vị bán hàng gọi hàng loạt nhân viên vào Facebook để tâng bốc Comment cực kỳ lộ liễu và rất dễ nhận ra khi bạn xem Profile của một vài người comment bên dưới sản phẩm. Dịp tết âm lịch sắp tới sẽ là một trong những dịp mà dịch vụ Seeding này còn bùng phát mạnh hơn nữa nên các bạn mua hàng trên Facebook hãy chú ý nhé.
4. Hãy tham khảo các Website bán hàng uy tín
Dù gì đi nữa thì những địa chỉ bán hàng uy tín vẫn là một nguồn thông tin đáng giá để tham khảo về giá, mô tả sản phẩm, qui cách đóng gói, chất lượng, chính sách bảo hành…Khi bạn xem hàng trên mạng thì đừng quên kiểm tra chéo với những trang bán hàng có uy tín xem liệu có vấn đề gì đáng nghi ngờ về sản phẩm không nhé.
Ví dụ như khi mua hàng công nghệ thì bạn có thể kiểm tra chéo với Nguyễn Kim, Pico, Mediamart…Nếu mà giá thấp bất thường thì cũng có những nguy cơ là hàng đang được rao bán là hàng kém chất lượng/ hàng giả. Vật giá hoặc Websosanh sẽ là công cụ tốt để bạn kiểm tra giá sản phẩm xem những nơi khác đang bán như thế nào.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo, kiểm tra hàng tại những trang thương mại điện tử uy tín như Tiki, Adayroi, Lazada. Chỉ lưu ý là trên Lazada hay Adayroi thì không phải mọi người bán đều tốt nên việc xem xét uy tín của người bán cũng rất là quan trọng.
Leave a Reply